Monday, 29/04/2024 - 11:30|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Tân Lập

CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020 TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

PHÒNG GD&ĐT HUYỆN YÊN MỸ

TRƯỜNG THCS TÂN LẬP

            Số: 38 /CL-THCS CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Tân Lập, ngày 22 tháng 8 năm 2015

CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG

GIAI ĐOẠN 2015 - 2020 TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

       Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng đề xướng và lãnh đạo, kinh tế nước ta đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giáo dục nước ta đã có sự đổi mới, chuyển từ nền giáo dục phục vụ kinh tế kế hoạch hoá sang nền giáo dục vận hành theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đường lối phát triển sự nghiệp giáo dục phục vụ Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã xác định: Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và của từng vùng nói riêng; giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, của nhà nước và của toàn dân.

        Để thực hiện đường lối đổi mới giáo dục, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến sự nghiệp đổi mới giáo dục Việt Nam: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Nghị quyết 37/2004/QH11 của Quốc hội; Chỉ thị 18/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách xây dựng đội ngũ nhà giáo của hệ thống giáo dục quốc dân đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch chiến lươc phát triển của từng nhà trường trong từng thời kỳ, từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.

Phương hướng chiến lược phát triển trường THCS Tân Lập giai đoạn 2015- 2020, tầm nhìn đến năm 2025 nhằm xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển, là cơ sở quan trọng cho các quyết sách của Hội đồng trường và hoạt động của hiệu trưởng cũng như phương hướng phấn đấu của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường.

Xây dựng chiến lược phát triển trường THCS Tân Lập là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới giáo dục phổ thông, cùng góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của huyện Yên Mỹ phát triển theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

PHẦN I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC TRẠNG CỦA NHÀ TRƯỜNG

I. Đặc điểm tình hình

1. Tình hình địa phương

- Trong những năm gần đây, nền kinh tế của huyện Yên Mỹ phát triển với tốc độ nhanh, đời sống của nhân dân được nâng lên nhiều, người lao động có nhiều cơ hội về việc làm với thu nhập cao và ổn định. Nhân dân xã Tân Lập cũng đang chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển từ sản xuất chủ yếu là nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại dịch vụ.

- Công tác xã hội hóa giáo dục của xã đã được chú trọng. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và cả xã hội thường xuyên quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đã huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức đoàn thể, của nhân dân địa phương, tạo được sự đồng thuận cao; kết hợp chặt chẽ giữa Nhà trường - Gia đình - Xã hội góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

2. Tình hình nhà trường 3 năm học gần đây

- Tóm tắt cơ cấu tổ chức, giáo viên và học sinh:

 Trường có Chi bộ riêng, có tổ chức công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh;

Trường có Tổ Khoa học tự nhiên, tổ Khoa học xã hội và tổ Văn phòng.

Trường có từ 13 đến 14 lớp số học sinh từ 440 dến 460 em

Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên 38 người.

- Cơ sở vật chất: Trường có diện tích 6300 m2, bình quân hơn 14 m2/học sinh; Hiện nay có 10 phòng học nên nhà trường phải tổ chức dạy học 2 ca/ ngày; không có phòng học bộ môn; Các phương tiện, thiết bị dạy học đã cũ và thiếu nhưng các thầy cô khắc phục khó khăn, làm thêm đồ dùng phục vụ bài giảng.

3. Điểm mạnh và điểm yếu

3.1. Điểm mạnh

- Nhà trường nhận được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương chăm lo cho sự nghiệp giáo dục; Các ban ngành, đoàn thể và nhân dân trong xã ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục học sinh.

- Nhà trường có đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhiệt tình, trách nhiệm cao; tỷ lệ GV có trình độ trên chuẩn là 50%; đội ngũ có tinh thần đoàn kết cùng nhau xây dựng nhà trường vững mạnh.

- Học sinh của nhà trường hầu hết đều chăm ngoan, có ý thức học tập và rèn luyện đạo đức tốt. Học sinh có tinh thần đoàn kết, giữ gìn môi trường và bảo vệ của công.

3.2. Điểm hạn chế

- Do điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn nên chưa đầu tư cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục.

- Một số gia đình đi làm ăn xã để con cho ông bà trông nom nên việc quản lý các em chưa tốt. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, con mồ côi hoặc bố mẹ ly dị cao. Các em này còn gặp nhiều khó khăn trong học tập và đời sống, chưa nhận được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục đầy đủ từ gia đình.

- Có một số giáo viên cao tuổi hạn chế về công nghệ thông tin;

II. Thời cơ và thách thức

1. Thời cơ

- Nhà trường là cơ sở giáo dục có bề dày truyền thống dạy tốt- học tốt từ nhiều năm nay, là địa chỉ tin cậy của nhân dân địa phương gửi gắm con em đến học tập và rèn luyện. Trong nhiều năm liền luôn là đơn vị đạt chất lượng cao, được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp.

- Đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, nhiệt tình, trách nhiệm, được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn và kỹ năng sự phạm tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu đổi mới và hội nhập.

- Nhân dân địa phương chăm lo cho việc học của con em mình.

- Nền kinh tế đang chuyển đổi từ SX nông nghiệp sang công nghiệp; Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa phương; Có cơ hội để xây dựng CSVC theo định hướng chuẩn quốc gia.

2. Thách thức

- Nhà trường có truyền thống Dạy tốt- Học tốt từ nhiều năm, chính quyền, nhân dân và phụ huynh đặt niềm tin, trao trọng trách lớn cho nhà trường và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong việc nâng cao chất lượng toàn diện của nhà trường, đưa nhà trường phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng kịp thời trước đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng giáo dục của cha mẹ học sinh và xã hội trong thời kỳ hội nhập.

- Nền kinh tế đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ nên nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như : Đạo đức xã hội bị xuống cấp; tệ nạn xã hội nảy sinh; giáo dục bị lơ là...

- Đòi hỏi của cha mẹ học sinh và của xã hội ngày càng cao về chất lượng giáo dục trong thời kỳ hội nhập.

III. Xác định các vấn đề ưu tiên

 - Kiện toàn và nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành của Ban giám hiệu theo hướng chuyên biệt hoá với sự phân công phụ trách các mảng công việc. Xây dựng nền nếp làm việc khoa học trong nhà trường.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

- Tích cực đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, phát triển năng lực của mỗi học sinh; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và quản lý;

- Triển khai chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường tổ chức các hoạt động tập thể trong chương trình giáo dục trải nghiệm sáng tạo; tạo nhiều hoạt động giao lưu để học sinh có điều kiện thích ứng và hoà nhập. Tăng cường trao đổi, hợp tác và tư vấn nghề cho học sinh.

- Tham mưu với địa phương xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hoá, chuẩn hoá đáp ứng các tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia. Cải tạo cảnh quan nhà trường khang trang, sạch đẹp, tạo dựng môi trường an toàn và thân thiện.

PHẦN II

ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG

I. Sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi

1. Sứ mệnh

Giáo dục học sinh trong độ tuổi trung học cơ sở có đủ kiến thức cơ bản để học tiếp lên bậc trung học phổ thông hoặc vào các trường Trung cấp chuyên nghiệp; biết vượt qua mọi khó khăn vươn lên trong học tập, phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, sức khỏe, thẩm mỹ;

Giáo dục học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Tầm nhìn

Xây dựng và phát triển nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, trở thành trường THCS chất lượng cao của huyện, có uy tín về chất lượng giáo dục; Là mô hình giáo dục hiện đại, tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại.

Trong giai đoạn 2015 - 2020 duy trì ổn định, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2017.

3. Hệ thống giá trị cốt lõi của nhà trường

1. Đoàn kết, Yêu thương, Kỷ cương, Trách nhiệm;

2. Dân chủ, Đổi mới, Sáng tạo, Khách quan.

II. Mục tiêu

- Xây dựng nhà trường có uy tín về chất lượng giáo dục, là mô hình giáo dục tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại.

- Luôn đứng trong tốp đầu của huyện về chất lượng giáo dục.

- Đạt chuẩn quốc gia năm 2017

Mục tiêu đến năm 2025

- Duy trì ổn định và nâng cao các tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia,

- Kiểm định chất lượng giáo dục đạt Mức 3,

III. Giải pháp

Tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và nhân dân về nội dung Chiến lược trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, cộng đồng trách nhiệm của tập thể sư phạm để quyết tâm thực hiện được các mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà trường.

Phát triển đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tạo điều kiện để nhiều giáo viên đi học nâng chuẩn.

Phấn đấu đến năm 2025 có 90% cán bộ giáo viên có trình độ trên chuẩn.

Mở rộng quan hệ giao lưu, học hỏi từ các điển hình tiên tiến trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Xây dựng văn hoá nhà trường hướng tới các giá trị cốt lõi đã nêu ở trên.

Tham mưu với các cấp lãnh đạo đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phấn đấu có đủ phòng học, phòng bộ môn, khuôn viên trường đáp ứng các tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025.

Đầu tư có trọng điểm để hiện đại hoá các phòng học, phòng học bộ môn, khu làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên, sân chơi bãi tập của học sinh, xây dựng cảnh quan trường lớp sạch đẹp, thân thiện.

Tiếp tục đầu tư máy vi tính, máy chiếu, bổ sung và nâng cấp hệ thống camera giám sát toàn bộ khu vực trường ; Nâng cấp trang thiết bị đảm bảo việc ứng dụng công nghệ thông tin được ổn định và theo kịp xu hướng phát triển chung của thế giới; Xây dựng mạng thông tin quản lý giữa giáo viên, các tổ chuyên môn với nhà trường liên thông qua hệ thống nối mạng Lan và Internet, diễn đàn giáo dục trên trang “Trường học kết nối”.

Làm tốt công tác tuyên truyền, tích cực tham mưu với các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện đổi mới nhận thức về giáo dục, tích cực đầu tư cho giáo dục, làm tốt công tác khuyến học- khuyến tài.

Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc giáo dục toàn diện học sinh. Tích cực tuyên truyền để cha mẹ học sinh tham gia Bảo hiểm Y tế cho con. Tổ chức tốt hoạt động y tế học đường.

Phối kết hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương để nhận được sự ủng hộ và phối hợp trong công tác giáo dục.

PHẦN III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Chiến lược phát triển giáo dục của nhà trường được tuyên truyền rộng rãi tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường; cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức, cá nhân quan tâm đến nhà trường;

Tuyên truyền để các thành viên trong hội đồng nhận thức về tầm quan trọng của Chiến lược phát triển nhà trường trong giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến 2025.

Hằng năm tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược; điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn

 Nơi nhận:

- Phòng GD&ĐT Yên Mỹ (để báo cáo);

- BGH (để chỉ đạo)

- Tổ CM, GV, NV (để thực hiện);

- Lưu VT.

  HIỆU TRƯỞNG

Trần Đình Hưng

PHÊ DUYỆT CỦA PHÒNG GD&ĐT HUYỆN YÊN MỸ

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả: Trường THCS Tân Lập
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8
Hôm qua : 14
Tháng 04 : 551
Năm 2024 : 2.939