Monday, 29/04/2024 - 05:33|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Tân Lập

BẢO VỆ TRẺ EM - CHỦ NHÂN TƯƠNG LAI CỦA ĐẤT NƯỚC

         Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

        Tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em nhằm bảo vệ trẻ em và gia đình khỏi một loạt các rủi ro. Bao gồm việc đảm bảo mọi trẻ em có được môi trường gia đình thân thiện, tiếp cận hỗ trợ tư pháp và bảo vệ khỏi bị bạo hành, lạm dụng và bóc lột.

`

 

Mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ. Ở Việt Nam, UNICEF tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công tác xã hội, tiếp cận hỗ trợ tư pháp và bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành, lạm dụng và bóc lột. Hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia bao gồm tất cả các biện pháp và tổ chức phối hợp với nhau tại Việt Nam trong công tác bảo vệ trẻ em. Các tổ chức này có thể bao gồm những tổ chức đóng vai trò quan trọng trong phúc lợi xã hội, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cũng như các cơ quan thực thi pháp luật. Một hệ thống bảo vệ trẻ em mạnh mẽ sẽ giải quyết nhiều rủi ro có liên quan đến nhau mà trẻ em và gia đình đang phải đối mặt.

       "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" - Trẻ em là hạnh phúc mỗi gia đình, là chủ nhân tương lai của đất nước. Chăm sóc, bảo vệ, giáo dục để trẻ trở thành những con người phát triển hài hòa cả về thể chất và trí tuệ. Việc nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ, những người trực tiếp chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ, những cán bộ làm công tác xã hội là quan trọng và cần thiết.

 

         Trong những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 20-CT/TW ngày 5/11/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã kịp thời thể chế hóa và triển khai tổ chức thực hiện tích cực, hiệu quả. Điển hình là Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016; Quyết định số 2361/QĐ-TTg, ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016- 2020…                  

      Trong thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại trên môi trường mạng do được tiếp cận, sử dụng phổ biến các thiết bị công nghệ, các trường học chuyển sang dạy học trực tuyến. Một bộ phận trẻ em thiếu về dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc chu đáo của người lớn do hoàn cảnh mưu sinh của cha mẹ và người đỡ đầu. Ngoài ra, Việt Nam vẫn có khoảng trên 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 2 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Một số vụ việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục, trẻ em bị xâm hại thân thể và xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, bị lạm dụng sức lao động, trẻ em vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng....

          Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ của người lớn, mà các em là những thành viên Tham gia tích cực vào quá trình phát triển của chính mình. Quyền trẻ em là một bộ phận không thể thiếu của quyền con người. Công ước Quốc tế về quyền trẻ em là Luật quốc tế để bảo vệ quyền trẻ em, bao gồm 54 điều khoản. Công ước đề ra các quyền cơ bản của con người mà trẻ em trên toàn thế giới đều được hưởng, và được Liên hợp quốc thông qua năm 1989. Hầu hết tất cả các các nước trên thế giới đồng tình và phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990. Và đối với Việt Nam, những người có độ tuổi dưới 16 tuổi được coi là trẻ em. Theo Công ước về Quyền trẻ em, trẻ em có 4 nhóm quyền cơ bản:

1. Quyền được sống còn bao gồm quyền của trẻ em được sống một cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển thể chất. Đó là mức sống đủ, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe. Trẻ em phải được khai sinh ngay sau khi ra đời.

2. Quyền được phát triển gồm những điều kiện để trẻ em có thể phát triển đầy đủ nhất về cả tinh thần và đạo đức, bao gồm quyền được học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, tiếp nhận thông tin, tự do tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng. Trẻ em cần có sự yêu thương và cảm thông của cha mẹ để phát triển hài hòa.

3. Quyền được bảo vệ bao gồm những qui định như trẻ em phải được bảo vệ chống tất cả các hình thức bóc lột lao động, bóc lột và xâm hại tình dục, lạm dụng ma túy, sao nhãng và bị bỏ rơi, bị bắt cóc, buôn bán. Trẻ em còn được bảo vệ khỏi sự can thiệp vô cớ vào thư tín và sự riêng tư. Quyền được bảo vệ bao gồm cả không bị tra tấn, đánh dập và lạm dụng trong trường hợp trẻ em làm trái pháp luật hay bị giam giữ.

4. Quyền được tham gia tạo mọi điều kiện cho trẻ em được tự do bày tỏ quan điểm và ý kiến về những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình. Trẻ em còn có quyền kết bạn, giao lưu và hội họp hòa bình, được tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin và lựa chọn thông tin phù hợp.

           Quyền trẻ em, đặc biệt quyền được sống an toàn, lành mạnh, được bảo vệ khỏi xâm hại đang trở thành một trong những vấn đề toàn cầu, được Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em như kinh tế tăng trưởng sẽ tạo tiền đề quan trọng về nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu về trẻ em; an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, phát triển nông thôn mới, phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc xã hội tác động đến chất lượng cuộc sống của trẻ em. Cách mạng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế có những tác động cả tích cực và tiêu cực đến việc thực hiện các quyền trẻ em và bổn phận của trẻ em; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường tác động trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển toàn diện và cuộc sống an toàn của trẻ em. Quá trình đô thị hóa và di cư làm gia tăng nguy cơ trẻ em “bị bỏ lại đằng sau” do không được tiếp cận đầy đủ chính sách, dịch vụ hỗ trợ, thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ; các giá trị đạo đức truyền thống thay đổi, lối sống thực dụng, thiếu gương mẫu của người lớn...

          Để công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được thực hiện tốt, những quy định pháp luật về trẻ em được thực thi đúng với ý nghĩa ươm mầm tương lai cho nguồn nhân lực của đất nước, chúng ta cần chung tay để có những biện pháp thiết thực giải quyết những khó khăn, bức xúc trong đời sống đối với trẻ em, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bị bạo hành, ngược đãi hay bị xâm hại, chống lại nạn buôn bán trẻ em:

- Thứ nhất, mỗi gia đình nên yêu thương, quan tâm, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện để trẻ em được học tập, phát triển tri thức, cung cấp những kiến thức cơ bản cho trẻ em nhằm chống lại sự lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, chống lại sự xâm hại. Mỗi gia đình là một hạt nhân của xã hội, nên nếu trẻ em của mỗi gia đình đều được thương yêu, bảo vệ, được học hành và phát triển tốt thì tất cả trẻ em trong xã hội sẽ được phát triển và bảo vệ tốt.

- Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương, trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành cơ quan trung ương và có sự hỗ trợ tham gia của các tổ chức xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và địa phương nhằm thực hiện tốt hơn quyền của trẻ em theo Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Giáo dục, tuyên truyền cũng như có những biện pháp thiết thực, quan tâm sâu sát đến trẻ em, đến các quyền trẻ em để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được thực hiện có hiệu quả.

- Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách thực hiện quyền trẻ em từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân để đảm bảo cho trẻ em được an toàn, can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị mua bán, xâm hại; truyền thông, giáo dục, vận động xã hội thực thi quyền trẻ em; lồng ghép thực hiện quyền trẻ em trong các chương trình, kế hoạch, dự án; kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em.

- Thứ tư, cần những biện pháp quan tâm hơn nữa tới trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em sống trong vùng kém phát triển, điều kiện sống khó khăn, trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Mỗi địa phương cần theo dõi sâu sát đối với tất cả các trẻ em gặp khó khăn để có biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện cho trẻ đến trường, vì khi đảm bảo được tất cả các trẻ em trong nước đều được đến trường là tiền để cho sự quan tâm của xã hội và sự đảm bảo phát triển của trẻ em.

- Thứ năm, đối với những hành vi mua bán trẻ em; bạo hành trẻ em; xâm hại tình dục trẻ em, các cơ quan chức năng cần phải quan tâm và có hình phạt thích đáng, đúng quy định pháp luật nhằm răn đe đối với loại tội phạm này.

        Tất cả trẻ em đều có quyền được sống, được yêu thương, bảo vệ. Với sự quan tâm của người lớn, của xã hội mong rằng trẻ em trong tương lai sẽ được yêu thương và phát triển toàn diện về mọi mặt. Trẻ em hôm nay-thế giới ngày mai !. 

         Lê Thị Uyên

Trường THCS Tân Lập

 

Tác giả: GV: LÊ THỊ UYÊN - Trường THCS Tân Lập
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5
Hôm qua : 14
Tháng 04 : 548
Năm 2024 : 2.936