Friday, 03/05/2024 - 19:30|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Tân Lập

HƯNG YÊN: VÙNG ĐẤT HƯNG THỊNH VÀ YÊN BÌNH

KỶ NIỆM 190 NĂM THÀNH LẬP TỈNH (1831 - 2021),

80 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TỈNH (7/1941 - 7/2021)

VÀ 25 NĂM TÁI LẬP TỈNH HƯNG YÊN

 

Tài liệu đính kèm: Tải về

HƯNG YÊN: VÙNG ĐẤT HƯNG THỊNH VÀ YÊN BÌNH

I, Quá trình thành lập tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên là tỉnh trung tâm của đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội khoảng 60 km về phía Đông Nam. Ngay từ buổi đầu lịch sử thời các vua Hùng dựng nước, vùng đất Hưng Yên đã có sự cư trú của con người.

Tỉnh Hưng Yên được thành lập vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831). Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử, tên tỉnh Hưng Yên xuất hiện. Khi thành lập, Hưng Yên gồm có hai phủ: phủ Khoái Châu (gồm các huyện Đông Yên, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ của trấn Sơn Nam) và phủ Tiên Hưng (gồm các huyện Tiên Lữ, Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà của trấn Nam Định).

Năm Hồng Đức thứ 21, tháng 4 năm 1490 cả nước chia thành 13 xứ, Hưng Yên thuộc xứ Sơn Nam. Đặc biệt từ thế kỷ XVI - XVII, Phố Hiến được hình thành, đây là nơi hội tụ của các tàu thuyền nước ngoài từ bốn phương đến buôn bán ở Đàng Ngoài. Cũng từ đó Hưng Yên nổi tiếng với câu ca: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Ngày 25/2/1890, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập đạo Bãi Sậy, gồm 4 huyện: Yên Mỹ, Mỹ Hào, Cẩm Lương, Văn Lâm. Huyện Yên Mỹ được thành lập từ một số tổng thuộc huyện Đông Yên, Ân Thi của tỉnh Hưng Yên

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hưng Yên là đơn vị hành chính cấp tỉnh, trực thuộc Uỷ ban hành chính Bắc Bộ.

Sau nhiều lần điều chỉnh về địa giới hành chính, Tính đến thời điểm năm 2021, Hưng Yên là tỉnh 10 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố Hưng Yên, 1 thị xã Mỹ Hào và 8 huyện gồm Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ. Với 161 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 139 xã, 14 phường và 8 thị trấn. Với diện tích 930, 22 km2, tổng dân số toàn tỉnh là 1.269.090 người , mật độ dân số 1.364 người/km2

II, Đất và người Hưng Yên

      Hưng Yên nằm giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng. Quỹ đất nông nghiệp Hưng Yên còn nhiều tiềm năng để khai thác, tăng vụ. Hưng Yên chịu ảnh hưởng sâu sắc của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, nhiều nắng và có mùa đông lạnh. Hàng năm có hai mùa nóng và lạnh rõ rệt.

         Về giao thông đường bộ, Hưng Yên có Quốc lộ 5A (đoạn dài 23 km), 5B (đường cao tốc) chạy qua địa phận Hưng Yên. Đường 39A từ Phố Nối qua Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động tới thành phố Hưng Yên, qua cầu Triều Dương sang Thái Bình. Về đường sông, sông Hồng và sông Luộc là những đường sông chính của Hưng Yên. Từ thành phố Hưng Yên, tàu thuyền có thể ngược sông Hồng lên Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hoặc xuôi Thái Bình, Nam Định rồi ra biển. Giao thông thủy và bộ của Hưng Yên vừa là điều kiện thuận lợi vừa là tiềm năng lớn để Hưng Yên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chính thức thông xe thêm 52,5 km cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

         Đối với dân cư, ngoài trồng trọt là nghề chính, người dân Hưng Yên còn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng dâu nuôi tằm, làm các nghề thủ công và nghề truyền thống khác.

           Hưng Yên là mảnh đất có truyền thống văn hiến, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt như Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bình, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Trung Ngạn, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Nghị, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Lê Hữu Trác, Phạm Huy Thông, Nguyễn Công Tiễu... Đặc biệt trong lịch sử hiện đại, Hưng Yên có nhiều nhà chính trị nổi tiếng như Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương,... các chiến sĩ anh hùng cách mạng như: Tô Hiệu, Bùi Thị Cúc... Đó là những người con ưu tú của Hưng Yên, đã góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

Về Hưng Yên, du khách không chỉ được đắm mình trong quần thể di tích lịch sử văn hóa mà còn được thưởng thức đặc sản nổi tiếng như nhãn lồng, hạt sen, mật ong, bún thang, tương bần, bánh tẻ….

Trải qua những lớp bụi của thời gian và những biến đổi thăng trầm của lịch sử, Hưng Yên ngày nay là nơi lưu giữ hơn 1200 di tích lịch sử văn hóa với 164 di tích, cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia.Trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt là phố Hiến, ở thành phố Hưng Yên. Ngoài ra còn có cụm di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, cụm di tích Phù Ủng, đền thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão, cụm di tích Tống Trân - Cúc Hoa, cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch gắn với việc phát triển tuyến du lịch sông Hồng".

 Phố Hiến cũng được đánh giá là 1 trong 3 khu phố cổ của Việt Nam sau phố cổ Hà Nội và Hội An. Phố Hiến cuốn hút du khách bởi sự trầm mặc, mang dấu tích thời gian của những di tích có niên đại hàng trăm năm. Trong đó phải kể đến những di tích nổi tiếng như chùa Chuông, Văn Miếu Xích Đằng, đền Trần, đền Mẫu…

(Văn miếu Xích Đằng trang nghiêm, bề thế ở Phố Hiến - Ảnh: Sưu tầm)

III, Hưng Yên với những đổi thay

Ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Khi mới tái lập, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của tỉnh còn thấp, tốc độ phát triển kinh tế chưa cao, giáo dục, y tế còn khó khăn… Nhưng là một tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi, lại có vị trí gần các trung tâm công nghiệp lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Nhờ đó, Hưng Yên có bước chuyển lớn.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, XV, XVI, XVII đề ra: Kinh tế tăng trưởng nhanh, hợp tác đầu tư phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, dân chủ trong Đảng và nhân dân được mở rộng; thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng chuyển biến tích cực…Vì vậy, Vị thế Hưng Yên được khẳng định và nâng cao, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

         Về kinh tế: Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch covid nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước tính tăng 5,75%. Hưng Yên đã xây dựng được một nền tảng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, thu ngân sách tăng gấp 100 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần so với khi tái lập tỉnh.

      ( Khu công nghiệp Phố Nối A - Tỉnh Hưng yên)

Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, chuyển đổi mạnh sang hướng hàng hoá chất lượng cao và giá trị kinh tế cao, sản xuất lúa liên tục được mùa, chất lượng và hiệu quả được nâng cao, cơ cấu nông nghiệp có chuyển dịch tích cực: Cây lương thực chiếm 19,58% - rau, củ, quả 25,09% - chăn nuôi, thủy sản 55,33%.

Công nghiệp tiếp tục phát triển đạt hiệu quả, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,68%; cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực; Xuất hiện nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp như Khu công nghiệp Thăng Long II, Khu công nghiệp Phố Nối A,khu công nghiệp Hòa Phát….

      Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng và từng bước được đa dạng các loại hình. Xây dụng nhiều trung tâm thương mại lớn. Các dịch vụ: Bảo hiểm, bưu điện, viễn thông, vận tải phát triển…

Hạ tầng giao thông, vận tải được đầu tư nhiều, phát triển nhanh, nhất là các tuyến đường trọng điểm và đường giao thông nông thôn. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 32%; thành phố Hưng Yên cơ bản đạt đô thị loại II, Mỹ Hào được công nhận là đô thị loại IV và đang trình công nhận thị xã; có 15 xã và thị trấn đạt đô thị loại V.

   ( Trung tâm huyện Yên Mỹ - Tỉnh Hưng Yên )

Về giáo dục : cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng phòng học kiên cố ở các cấp học phổ thông; đang tiếp tục kiên cố trường, lớp học mầm non. Trong Khu Đại học Phố Hiến, Trường Đại học Chu Văn An đã đi vào hoạt động, đang thi công xây dựng Trường đại học Thủy Lợi; Trường đại học Y Tôkyo Nhật Bản, Trường đại học Anh quốc Việt Nam trong Khu đô thị Ecopark và một số trường đại học, cao đẳng trong quá trình chuẩn bị đầu tư; nâng cấp.Toàn tỉnh có 263 trường đạt chuẩn quốc gia. Giáo viên đạt chuẩn ở tất cả các cấp học; tỷ lệ trên chuẩn cao ở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở

Về y tế: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa Phố Nối, các bệnh viện huyện và đầu tư nâng cấp các trạm y tế ở các xã, phường, thị trấn; đầu tư mới và đưa vào sử dụng Bệnh viện Sản Nhi. Mạng lưới y tế cấp xã đã phát triển mạnh các bác sĩ đã được đưa về các tuyến cơ sở.

Như vậy, chỉ sau 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên đã có sự đổi thay lớn, có những bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, văn hóa, chính trị , y tế giáo dục… đặc biệt là đời sống của nhân dân đã được cải thiện rõ ràng. Hưng Yên đang trên đã thay da đổi thịt.

                                                             Tác giả: Lưu Thị Mai

 

Tác giả: GV: Lưu Thị Mai - Trường THCS Tân Lập
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 12
Hôm qua : 25
Tháng 05 : 50
Năm 2024 : 3.011